Quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm tại Việt Nam: Những thách thức và cơ hội Tài liệu tóm lược

 

Bối cảnh: Trong năm 2016, Ngân hàng Thế giới phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) tại Việt Nam theo yêu cầu của Chính phủ đã nghiên cứu và đưa ra bản báo cáo về ATTP tại Việt Nam. Bản tóm lược này nêu ngắn gọn các phát hiện chính và khuyến nghị chính.

 

Phát hiện chính

  • ATTP đang là mối quan tâm lớn đối với công chúng với mức độ lo ngại ngày càng tăng cao mỗi khi xảy ra một sự vụ ATTP nghiêm trọng.
  • Là một nước có mặt hàng xuất khẩu chính là thực phẩm, uy tín của Việt Nam đối với các đối tác kinh doanh trên thế giới tương đối nhạy cảm với các số liệu thống kê thương mại về mức độ nhiễm bẩn thực phẩm.
  • Rất khó có thể đánh giá được các bệnh truyền qua thực phẩm dù ở bất cứ nước nào, nhưng mức độ nhiễm bẩn trong các sản phẩm thực phẩm Việt Nam tiêu thụ trên thị trường nội địa đã cho thấy mối lo đối về thực phẩm không an toàn của cộng đồng và các vấn đề thương mại liên quan là có cơ sở.
  • Những vấn đề dưới đây có thể sẽ càng trở nên trầm trọng hơn nếu Chính phủ không có những hành động kịp thời:

o   ATTP đang là mối lo mang tính thời sự và các sự cố ATTP có thể sẽ bị lan rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng;

o   Thương mại quốc tế sẽ ngày càng trở nên cạnh tranh hơn khi các hiệp định thương mại mới ra đời;

o   Đô thị hóa gia tăng gây áp lực cho các phương thức cung cấp thực phẩm truyền thống.

  • Báo cáo chỉ ra rằng nguyên nhân chính gây ra các bệnh truyền qua thực phẩm là do nhiễm bẩn vi sinh vật, chứ chưa phải do tồn dư hóa chất. Nhiễm bẩn vi sinh vật có thể được dự phòng và xử lý thông qua áp dụng các biện pháp vệ sinh trong toàn bộ chuỗi thực phẩm.
  • Việc lạm dụng các hóa chất đầu vào trong nông nghiệp như thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu và phân bón hóa học nhập khẩu trái phép hoặc không được quản lý nghiêm ngặt, thiếu khả năng truy xuất nguồn gốc và ô nhiễm chéo cũng là những yếu tố quan trọng cần lưu ý trong công tác đảm bảo ATTP nhưng thách thức lớn nhất là việc thay đổi thói quen sản xuất và thực hành các biện pháp ATTP của một số lượng lớn các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.
  • Việt Nam đi đầu khu vực trong việc xây dựng một khung pháp lý ATTP hiện đại, với các nền tảng giúp nâng cao hiệu quả triển khai ATTP và chất lượng kết quả đạt được. Nhưng, để triển khai hiệu quả khung pháp lý lý thuyết thì cần tập trung nhiều hơn vào yếu tố nguy cơ và kết quả trên thực tế.
  • Mặc dù không có một biện pháp đơn lẻ nào để giải quyết được cho mọi vấn đề ATTP nhưng kinh nghiệm trên thế giới cho thấy nhiều phương án thử nghiệm được phối hợp với nhau đúng cách sẽ góp phần từng bước cải thiện mức độ đảm bảo ATTP.

Các nguyên tắc cơ bản để vận hành hệ thống ATTP hiệu quả

Cung cấp thực phẩm an toàn là nhiệm vụ của khu vực kinh tế tư nhân chứ không phải của các cơ quan quản lý nhà nước: Để có thể đạt được điều này một cách hiệu quả nhất, các cơ quan chức năng cần đưa ra các chiến lược phối hợp về mức độ tuân thủ các quy định quy chuẩn, chú trọng đến quy trình sản xuất và phòng ngừa sự cố thay vì chỉ tiến hành kiểm tra sản phẩm đầu cuối và thúc đẩy công tác tự điều chỉnh và kiểm tra nội bộ trong bản thân ngành sản xuất thực phẩm.

  • Yêu cầu thực hiện: Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ; xây dựng đội ngũ thanh kiểm tra ATTP được đào tạo bài bản; lập hồ sơ dựa trên phân tích nguy cơ ATTP của các ngành sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm sẽ giúp lập kế hoạch giám sát ATTP dựa trên nguy cơ và dựa trên bằng chứng khoa học, thiết lập mạng lưới phòng xét nghiệm (nhà nước và tư nhân) đã được đánh giá năng lực có thể thực hiện các xét nghiệm kịp thời và đảm bảo chất lượng.
  • Xây dựng một hệ thống ATTP đáng tin cậy và có thẩm quyền trong đó phải có một hệ thống giám sát các mối nguy ATTP một cách toàn diện và minh bạch, có kế hoạch truyền thông cho các cuộc khủng hoảng ATTP, các nỗi lo sợ về thực phẩm không an toàn, các vụ bùng phát dịch và mối quan hệ tốt với công chúng cũng như các tổ chức liên quan đến ATTP.

Các khuyến nghị chính  

Đề xuất chung của báo cáo là xây dựng một hệ thống kiểm soát dựa trên nguy cơ, áp dụng các nguyên lý đánh giá nguy cơ, quản lý nguy cơ và truyền thông nguy cơ đã được FAO/ WHO xây dựng. Các đề xuất được dựa trên cơ sở và góp phần xác định các mục tiêu cụ thể của Chiến lược ATTP quốc gia. Dưới đây là các đề xuất chính của báo cáo:

 

Đánh giá nguy cơ là một quy trình đánh giá khoa học những tác động có hại đã biết hoặc tiềm ẩn đối với sức khỏe do sự phơi nhiễm của con người đối với các mối nguy qua đường thực phẩm.

  • Xây dựng một hệ thống toàn diện hơn về theo dõi và giám sát ATTP quốc gia dựa trên nguy cơ.
  • Nâng cao công tác quản lý số liệu nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp bằng chứng tốt hơn về các nguy cơ, tác động và chi phí của bệnh lây qua đường thực phẩm, hiệu quả và chi phí-lợi ích của các giải pháp can thiệp.
  • Xây dựng cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm dựa trên danh sách các yếu tố nguy cơ của các doanh nghiệp đó nhằm hiểu rõ và đưa ra các biện pháp can thiệp hiệu quả và đảm bảo thực thi.

Quản lý nguy cơ là quy trình lựa chọn những phương án kiểm soát và ngăn ngừa phù hợp nhằm nâng cao ATTP. Hoạt động này phụ thuộc vào công tác đánh giá nguy cơ.

  • Xây dựng một hệ thống quản lý thực thi giữa các bộ dựa trên việc đưa ra các kết quả rõ ràng và xây dựng văn hóa ra quyết định dựa trên bằng chứng.
  • Đề xuất phương án tiếp cận theo mô hình ‘từ trang trại tới bàn ăn’ đối với công tác ATTP trong đó bao gồm kiểm soát từ nguyên liệu đầu vào, hoạt động nuôi trồng, xử lý chế biến và bán lẻ, đồng thời nâng cao năng lực của tất cả các bên liên quan đến ATTP.
  • Phối hợp với người tiêu dùng giúp định hướng cho nhà sản xuất phương án triển khai công tác ATTP tốt hơn.               

 

Truyền thông nguy cơ là sự tương tác trao đổi thông tin và ý kiến giữa người đánh giá nguy cơ, người quản lý nguy cơ, người tiêu dùng, cơ sở sản xuất kinh doanh, cộng đồng nghiên cứu đào tạo và các bên liên quan khác.

  • Xây dựng Chiến lược Truyền thông ATTP để từng bước xây dựng niềm tin ở người tiêu dùng đối với các khuyến cáo của Chính phủ về các vấn đề ATTP.
  • Bên cạnh chiến lược theo cách tiếp cận từ trên xuống, cần phải xây dựng quan hệ phối hợp mở giữa các bộ và các bên liên quan khác nhằm truyền tải các thông điệp một cách chặt chẽ và nhất quán.

 

Có thể hỗ trợ việc tối ưu hóa công tác đánh giá nguy cơ, quản lý nguy cơ và truyền thông nguy cơ bằng cách phát triển năng lực và nâng cao sự phối hợp giữa các thành phần tham gia vào chuỗi giá trị.

  • Xây dựng Trung tâm Đánh giá Nguy cơ nhằm phát triển năng lực theo mô hình tiếp cận dựa trên yếu tố nguy cơ.
  • Thí điểm thống nhất tất cả các tổ chức liên quan đến quản lý ATTP ở cấp tỉnh vào một cơ quan duy nhất.
  • Nâng cao mạng lưới kết nối, xây dựng sự đồng thuận và nhất quán: phối hợp và chia sẻ thông tin dữ liệu từ các phòng xét nghiệm và mạng lưới giám sát nhằm hỗ trợ hiệu quả cho việc ra quyết định dựa trên bằng chứng.
  • Xây dựng Chiến lược ATTP và Kế hoạch hành động Quốc gia về ATTP và Kiểm dịch Động vật (SPS) có tính liên kết.
  • Chú trọng vào cách tiếp cận phòng ngừa nhằm đảm bảo ATTP thay vì kiểm tra sản phẩm đầu cuối.

Source